Cuộc đua VCB - GAS: Hành trình trở thành cổ phiếu “vua”

Rất có thể cổ phiếu ngân hàng mới bước vào giai đoạn đầu tiên của một chu kỳ giá lên dài hạn tính bằng nhiều năm.

Ngay cả khi hôm nay, VCB giảm hơn 1% và GAS tăng gần 2%, ngôi vị cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn thuộc về cổ phiếu “vua” VCB.

Không chỉ hưởng lợi từ việc giá dầu sụt giảm làm bốc hơi đáng kể vốn hóa của GAS và các mã dầu khí nói chung, VCB và các cổ phiếu ngân hàng có vẻ đang trở lại thời hoàng kim.

Từ cuối năm 2014 trở về trước, khi nói đến cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất thị trường, người ta chỉ biết đến GAS và đâu đó là MSN, VIC, VNM. Đó là thời điểm VCB và các cổ phiếu ngân hàng nói chung vướng vào đủ thứ rắc rối liên quan đến nợ xấu và sự trì trệ của nền kinh tế nói chung.

Ngay cả khi VCB niêm yết hơn 1,6 tỷ cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước thì vốn hóa vẫn không “đấu” lại được các cổ phiếu khác vốn có thị giá rất cao.

Chỉ đến khi giá cổ phiếu trên sàn có sự tăng trưởng vũ bão, vốn hóa của VCB mới có sự tăng trưởng mạnh. Tính đến ngày 3/6/2015, vốn hóa của VCB đang là 119.926 ngàn tỷ đồng, trong khi GAS là 118.437 ngàn tỷ đồng.

Vào thời điểm đầu năm 2015, vốn hóa của VCB mới là 85.014 ngàn tỷ đồng thì GAS vẫn là 129.808 ngàn tỷ đồng. Như vậy sau hơn 5 tháng, vốn hóa của VCB tăng trên 41% còn GAS lại giảm gần 9%. Điều đó cho thấy sức mạnh của biến động giá là rất lớn theo phía tích cực của VCB và tiêu cực của GAS.

Tính từ phiên ngày 5/1/2015 đến hết ngày 3/6/2015, GAS đã giảm giá 12,14% tromg khi VCB tăng 43,9%. Tuy nhiên sự đổi ngôi thực sự là nhờ biến động rất mạnh của giá dầu thế giới trong 3 tháng cuối năm 2014, đã làm bốc hơi vốn hóa của GAS ở mức độ kinh khủng.

Tính từ thời điểm đạt đỉnh của GAS cuối tháng 8/2014 đến ngày 3/6/2015, giá GAS đã giảm 49,59%. Đây là đòn “nốc ao” lớn nhất.

Tại thời đỉnh cao, vốn hóa của GAS lên tới 231.190 ngàn tỷ đồng. Trong cùng khoảng thời gian GAS giảm 49,59% giá trị thì VCB lại tăng 66,91% giá trị.

Biến động giá của GAS và VBC không chỉ mang tính thị trường mà còn là tiêu biểu cho sự đánh giá về triển vọng ngành. Nếu nhìn vào giá GAS, suốt từ đầu năm 2013, giá của cổ phiếu này cũng như các mã dầu khí niêm yết khác nói chung bước vào một đợt tăng trưởng dài hạn.

Đó cũng là thời gian mà giá dầu thế giới có mức tăng kỷ lục lên trên 100 USD/thùng. Chu kỳ tăng trưởng dài hạn của giá dầu kết thúc cũng là lúc các cổ phiếu dầu khí kết thúc đợt tăng trưởng dài hạn.

Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng suốt từ khi niêm yết như VCB đến tận cuối 2012 vẫn nằm trong một chu kỳ giảm giá dài hạn. Năm 2013 và quá nửa đầu năm 2014 là thời kỳ “lãng quên”, hay nói theo ngôn ngữ thị trường là “vua mất ngôi”.

Chỉ khi nền kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc thực sự, tăng trưởng tín dụng tốt hơn, giải quyết nợ xấu có tiến triển, các cổ phiếu ngân hàng mới bước vào chu kỳ khởi động trở lại.

Do vậy, rất có thể cổ phiếu ngân hàng mới bước vào giai đoạn đầu tiên của một chu kỳ giá lên dài hạn tính bằng nhiều năm. Điều này là có cơ sở vì nền kinh tế cũng đang lấy lại tốc độ tăng trưởng.

 

TIN LIÊN QUAN