Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh gas: Có làm khó doanh nghiệp?

Bộ Công Thương ban hành Dự thảo về Nghị định kinh doanh lẻ mặt hàng khí hóa lỏng (gas) nhằm thay thế Nghị định số 107 của Chính phủ do những những điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn. Sau khi được tổ chức lấy ý kiến, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những góp ý về dự thảo này.

Nghị định 107/2009/NĐ- CP quy định, DN kinh doanh gas đầu mối phải có 300 ngàn bình gas và trạm sang chiết mới đủ điều kiện tham gia thị trường. Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 107 sẽ hạ chuẩn số bình gas từ 300 ngàn bình xuống còn 100 ngàn đến 150 ngàn bình gas nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn đủ điều kiện sản xuất, phân phối…

Tuy nhiên, nhiều DN đang kinh doanh gas lại cho rằng, việc hạ chuẩn số lượng bình gas sẽ không mang lại lợi ích cho DN, người tiêu dùng và cả khâu quản lý. Khi làm chính sách các nhà quản lý kinh tế cần hiểu rõ đặc điểm của từng ngành, từng vùng để có chính sách phù hợp.

Đối với các ngành nghề khi phát triển đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất lớn như kinh doanh gas cần phải điều hành hoạt động đầu tư trực tiếp (xây kho bãi, trạm chiết, đầu tư vỏ bình gas…) để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường, an toàn PCCC với chi phí thấp nhất. Khi thị trường đã có dấu hiệu bão hòa thì nên có chính sách hạn chế đầu tư trực tiếp, như mở thêm công ty kinh doanh gas. Thị trường gas hiện đã bão hòa, đã có hơn 60 thương nhân đầu mối, có dấu hiệu dư thừa vỏ bình gas, vòng quay vỏ chậm, chiếm dụng vỏ bình để sang chiết nạp lậu, hoán cải vỏ bình diễn ra trên quy mô lớn) các công ty kinh doanh gas hoạt động hiệu quả thấp, giá thành cao…

Việc thu nhỏ điều kiện gia nhập thị trường sẽ làm cho các nhà đầu tư hiểu lầm là cơ quan chức năng đang kêu gọi khuyến khích đầu tư vào thị trường gas, tiếp tục đổ tiền vào đầu tư sẽ làm cho thị trường càng khó khăn hơn. Bà Lê Thị Anh Mẫn- Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết, để thị trường gas minh bạch, đỡ lãng phí cho xã hội và dễ quản lý, chỉ nên hạ tiêu chuẩn thương nhân phân phối hoạt động vùng sâu, vùng xa, nơi nguồn cung còn ít, không nên áp dụng cho tất cả các đối tượng.

Ông Nguyễn Sĩ Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam- đề nghị, không hạ chuẩn về quy định đủ điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh đầu mối và phân phối, giữ nguyên như quy định tại Nghị định 107, vì cần phải xây dựng các DN có đủ tiềm lực phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam. Ban soạn thảo cần quy định rõ quyền của chủ sở hữu bình gas: buộc trả lại bình gas cho chủ sở hữu  đối với các hành vi về mua bán, chiếm đoạt, lưu giữ, vận chuyển, trao đổi (khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu) về bình gas không thuộc sở hữu như quy định tại Nghị định 107 để có cơ sở cho việc xử lý các hành vi vi phạm trên.

Hạ định mức số bình gas đối với DN muốn tham gia kinh doanh gas là khuyến khích mở thêm DN gas, theo nhiều DN, thị trường gas hiện mới chỉ có 60 DN mà các cơ quan chức năng đã quản không siết nay mở rộng điều kiện cho nhiều DN cùng tham gia thì khả năng quản lý sẽ càng bất ổn hơn. Để thị trường gas bớt loạn, một DN kinh doanh gas ở TP.HCM đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường công tác kiểm tra, đình chỉ hoạt động sản xuất gas trái phép, truy cứu hình sự đối tượng vi phạm theo mức tăng nặng, nghiêm minh, không nên xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas như hiện nay.

Một DN kinh doanh gas tại tỉnh Đồng Nai kiến nghị, Ban soạn thảo nghị định mới cần bổ sung điều khoản cấm trạm nạp gas đồng thời thực hiện chức năng tổng đại lý/đại lý  kinh doanh gas chai cho thương nhân khác vì tiềm ẩn khả năng trạm nạp gas làm hàng giả, nạp gas trái phép vào bình gas của các hãng khác không có hợp đồng chiết nạp thuê.

 

TIN LIÊN QUAN